HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Ưu tiên vốn cho xây dựng hệ thống thủy lợi


02:16' CH-11, 11/06/2015

Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2007 - 2015 đã được tỉnh tích cực triển khai. Tuy nhiên, điểm nghẽn là thiếu vốn đã gây ra nhiều ách tắc đối với quá trình sửa chữa và xây mới các công trình. Ưu tiên vốn cho xây dựng hệ thống thủy lợi là điều cần được quan tâm.


Nhu cầu lớn
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Bắc Kạn, hiện toàn tỉnh có gần 1.000 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hơn 15.976ha lúa sản xuất 2 vụ. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thủy nông Bắc Kạn được phân cấp quản lý 402 công trình với năng lực tưới cho hơn 5.205ha; các địa phương quản lý 597 công trình với năng lực tưới cho hơn 2.782ha. Xác định thủy lợi có vai trò tiên quyết đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên vốn cho sửa chữa, xây mới nhiều công trình. Từ 2010 - 2015, toàn tỉnh xây mới thêm 74 công trình thủy lợi lớn nhỏ trong đó có 2 trạm bơm xây mới. Trên 670km kênh mương được kiên cố hóa phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nhờ đó, tổng năng lực hệ thống tưới tiêu đạt 14.700ha lúa 2 vụ, đáp ứng trên 70% tổng diện tích gieo cấy lúa cả tỉnh; diện tích tưới chủ động đạt 8,1%.
Như vậy, hạ tầng thủy lợi của Bắc Kạn đã đáp ứng khá đối với nhu cầu bảo đảm nước tưới cho sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các công trình thủy lợi trên toàn tỉnh là nhỏ; dễ bị hư hại nặng sau mưa lũ; việc tích nước chống hạn còn hạn chế. Do đó, nhu cầu vốn dành cho sửa chữa các công trình này của tỉnh luôn là rất lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh có 31 hồ chứa thì có đến 19 hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi Bắc Kạn, đến hết năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 202 công trình thủy lợi hư hỏng cần được sửa chữa với nhu cầu vốn lên tới hơn 65 tỷ đồng.
Trong số này có khoảng 62 công trình cần phải được ưu tiên sửa chữa ngay. Như đập Nà Quang, xã Thanh Bình (Chợ Mới) bị rò rỉ lòng kênh, xuống cấp cần tới 4 tỷ đồng để sửa chữa; hồ Khuổi Sung, xã Yên Hân (Chợ Mới) bị rò rỉ thân đập cần hơn 2 tỷ đồng để sửa chữa; kênh trung thủy nông Nam Cường (Chợ Đồn) cần 3 tỷ đồng để sửa chữa; đập kênh Nà Cọ, xã Khang Ninh (Ba Bể) bị xói lở thân, hỏng sân tiêu năng cần 1,5 tỷ đồng để sửa chữa… Nhu cầu vốn lớn là vậy nhưng hàng năm kinh phí để cho sửa chữa là rất ít, điều này dẫn tới các công trình được sửa không tới nơi tới chốn còn công trình chưa được sửa thì ngày càng hư hại thêm.


Xây dựng kênh mương Bản Sáng - Nà Cà, xã Cổ Linh (Pác Nặm) từ nguồn vốn Chương trình 30a (ảnh: Văn Nghĩa).

Đối với xây mới, giai đoạn trung hạn từ 2016 - 2020, nhu cầu của Bắc Kạn là không nhỏ. Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (lần thứ nhất) của tỉnh, đối với nguồn vốn cân đối ngân sách 5 năm, lĩnh vực thủy lợi - cấp nước sinh hoạt dự kiến có nhu cầu vốn hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều công trình cần được xây mới với quy mô lớn như hồ Nông Thượng (thị xã Bắc Kạn) với nhu cầu vốn 15 tỷ đồng; hồ Thôm Luông (Na Rì) nhu cầu vốn 20 tỷ đồng; hồ Khuổi Ha (Ngân Sơn) nhu cầu vốn hơn 22 tỷ đồng; hồ Bá Dừn (Chợ Mới) nhu cầu vốn hơn 14 tỷ đồng… Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, cũng từ nguồn vốn cân đối ngân sách, dự án sửa chữa lớn các công trình thủy lợi có nhu cầu vốn 50 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, dự kiến lĩnh vực thủy lợi đê kè có nhu cầu vốn hơn 248 tỷ đồng trong đó có dự án hồ Khuổi Hù nhu cầu vốn 100 tỷ đồng. Đối với vốn ODA, vốn vay, viện trợ, dự kiến nhu cầu vốn thủy lợi, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường 317 tỷ đồng trong đó có những công trình thủy lợi lớn như sửa chữa 21 hồ lớn nhu cầu vốn 177 tỷ đồng.

Khơi thông nguồn vốn
Trong hoàn cảnh thu ngân sách thấp, vốn đầu tư công phụ thuộc ngân sách Trung ương thì rõ ràng tăng vốn cho hoàn thiện mạng lưới thủy lợi là điều rất khó. Đồng chí Hà Kim Oanh- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Kạn cho biết, theo quy hoạch phát triển thủy lợi của tỉnh giai đoạn 2007 - 2015, khi hoàn thành quy hoạch thì toàn tỉnh sẽ nâng cấp 503 công trình, làm mới 1.007 công trình thủy lợi. Năm 2010, UBND tỉnh bổ sung thêm 5 dự án vào quy hoạch này. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên việc thực hiện theo lộ trình đã quy hoạch không đạt được.
Luật Đầu tư công đi vào cuộc sống đã khiến việc “bốc thuốc” trong lập kế hoạch đầu tư, làm dự án để đặt chỗ trong kế hoạch không còn cửa tồn tại. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2015, việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, dù dưới hình thức nào, cũng thuộc hành vi bị cấm và những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với các dự án khởi công mới trong 5 năm 2016 - 2020, ngay từ năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, các bộ, ngành và địa phương phải bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư để trình duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Đây là điểm khó nhất trong triển khai luật nhưng ngược lại nó thuận lợi ở chỗ khi đã được duyệt thì chắc chắn sẽ có tiền đầu tư.
Để khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực thủy lợi, thực hiện nghiêm túc xây dựng kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, đối với các dự án mới, UBND tỉnh sẽ thực hiện nguyên tắc ưu tiên bố trí nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho hoàn thiện hệ thống thủy lợi thực hiện dở dang, cấp thiết; hoàn thiện thủy lợi phục vụ các địa bàn trọng điểm. Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia cũng ưu tiên phần lớn cho xây dựng hệ thống thủy lợi.
Dự kiến tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 của Bắc Kạn sẽ hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung ngân sách có mục tiêu từ Trung ương là hơn 4.300 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 3.300 tỷ đồng. Như vậy, nguồn lực dành cho thủy lợi phần nào đã được đáp ứng. Trên cơ sở nguồn vốn như trên, dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ xây dựng mới thêm 22 hồ chứa, nâng tổng năng lực tưới tiêu đạt 22.000ha, đáp ứng 100% diện tích canh tác, trong đó có 70% diện tích tưới chủ động. Đối với kênh mương sẽ nâng cấp, xây mới trên 100km kiên cố hóa phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Trên cơ sở nguồn lực thực tế, ngành nông nghiệp mà trực tiếp là Chi cục Thủy lợi Bắc Kạn sẽ tham mưu đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình cấp bách, ý nghĩa lớn đối với sản xuất trong giai đoạn trung hạn tới. Tuy nhiên, dù xây mới, sửa chữa có nhiều tới đâu mà công tác vận hành, bảo dưỡng không tốt thì hiệu quả mang lại của các công trình thủy lợi sẽ không dài. Thực tế, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình do địa phương quản lý việc vận hành, bảo dưỡng còn nhiều hạn chế. Đây là điểm cần lưu tâm để các công trình thủy lợi sau đầu tư được bền vững, tránh tình trạng sớm hỏng và xuống cấp gây lãng phí./.

Tuấn Sơn

(Nguồn: baobackan.org.vn)

Số lượt xem: 54  -  Cập nhật lần cuối: 11/06/2015 02:16' CH
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,