HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho các thành phố thuộc ĐBSCL


08:19' CH-23, 23/04/2015

(Xây dựng) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh, thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm 5% diện tích toàn lưu vực sông Mekong. Tuy nhiên, đây là lại là vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam, do đó cần có giải pháp quy hoạch thủy lợi để ứng phó hiệu quả với những nguy cơ BĐKH, nước biển dâng.

Hệ thống thủy lợi còn yếu

Hệ thống đô thị vùng ĐBSCL được định hướng phát triển thành mạng lưới đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ, tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ, khu vực biển Đông, khu vực biên giới thông qua hệ thống giao thông thuận lợi. Đến năm 2020, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 110.000 ha, dân số khoảng 7,2 triệu người và tầm nhìn đến năm 2050, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 330.000 ha, dân số 21 triệu người.

Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng do Bộ TN&MT đưa ra, đến năm 2050 độ sâu ngập lụt các đô thị gia tăng thêm 0,1 - 0,5m (tùy khu vực) ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu thoát nước. Ngoài các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh thường xuyên ảnh hưởng bởi ngập lũ, sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên có nguy cơ bị ngập trên 1,0m, trong đó nghiêm trọng nhất là 2 TP Cần Thơ và Vĩnh Long.

Theo Ths. Nguyễn Hữu Tân (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam), các nguyên nhân gây ngập úng là do lũ thượng nguồn sông Mekong kết hợp triều cường; mưa cường suất lớn, kéo dài; tổng lượng mưa lớn trong khi hệ thống tiêu thoát nước thiếu; hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh...

Đánh giá về hệ thống thủy lợi, Ths Tân cho rằng: "Các TP được xây dựng dựng trên nền địa hình khá phẳng và bị chia cắt thành từng ô bởi hệ thống kênh rạch khá dày đặc. Đây là đặc điểm thuận lợi cho việc tiêu nước. Tuy nhiên, hệ thống kênh này cũng làm cho việc dẫn nước lũ vào sâu trong nội đồng. Trong khi đó, giải pháp đắp đê bao dọc theo bờ kênh và tôn nền nhưng hầu hết cao trình đê bao chưa đảm bảo cao trình chống lũ, dòng chảy trên 1 số kênh bị cản trở bởi việc xây dựng nhà ven bờ, xả rác vào lòng kênh...và một số kênh bị san lấp.

Cần nhiều giải pháp

Theo ông Tân, để đối phó với tình trạng ngập úng cho khu vực đô thị ở ĐBSCL do BĐKH, chúng ta cần phải kết hợp nhiều giải pháp, gồm giải pháp công trình, phi công trình.

Giải pháp công trình được áp dung nhằm kiểm soát lũ, triều cường. Các TP thuộc vùng ĐBSCL nằm ở khu vực chịu tác động mạnh của chế độ thủy văn sông Mekong, hiện tượng ngập úng có nguyên nhân do ngập lũ, triều cường tác động. Do vậy, các giải pháp chống ngập úng phải xem xét trong các quy hoạch tổng thể thủy lợi của toàn ĐBSCL và các giải pháp công trình như sau: Bổ sung, nâng cấp hệ thống đê, kè kết hợp đường giao thông để ngăn lũ, ngăn triều cường, xây dựng hệ thống cống dưới đê ngăn lũ, triều cường và tiêu gạn nước, tôn nền theo quy hoạch nhằm giảm khối lượng đắp đê, xây cống, xây dựng các cửa van clape tự động tại các cửa xả để ngăn triều cường...

Bên cạnh đó, giải pháp này còn nhằm tiêu thoát nước mưa, vì ngoài lũ, thủy triều thì mưa cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra ngập úng. Khả năng chuyển tải nước của hệ thống cống thoát nước đô thị sẽ quyết định tình trạng tiêu thoát nội thị. Hệ thống công trình thủy lợi chỉ có tác dụng hỗ trợ việc tiêu thoát nội thị ra sông, kênh chính, vì vậy cần phải xây dựng các trạm bơm tiêu nước tập trung hỗ trợ khi có mưa lớn trùng với thời gian lũ, triều cường đồng thời nạo vét, nâng cấp mở rộng hệ thống kênh trục cấp I, cấp II tiêu nước, lấy nước tưới, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa đô thị.

Trong khi đó, giải pháp phi công trình nhằm sử dụng các diện tích đất trũng thấp ven sông, rạch và các hồ để tạo các khu trữ, điều tiết nước mưa. Giải pháp này cũng sẽ tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn thời đoạn ngắn, giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa của TP.

Theo Thanh Huyền

http://www.baoxaydung.com.vn/
Số lượt xem: 160  -  Cập nhật lần cuối: 23/04/2015 08:20' CH
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,