HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ


02:47' CH-08, 08/08/2014

QĐND - Mới đầu mùa mưa, lượng mưa không nhiều và chưa xuất hiện lũ trên các sông ở Tây Nguyên, nhưng vụ vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) lần thứ hai xảy ra vào ngày đầu tháng 8 này không chỉ gây hậu quả lớn về mặt kinh tế, mà còn là lời cảnh báo về sự mất an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ.

Theo thống kê, hiện cả nước có gần 7000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, với tổng dung tích chứa theo thiết kế 35,8 tỷ m3; trong đó có 6.648 hồ chứa thủy lợi, tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3. Điều đáng lo ngại là qua kiểm tra an toàn hồ, đập trên cả nước gần đây cho thấy, hiện đang có khoảng 1.150 hồ thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp và không có khả năng xả lũ, cần phải sửa chữa, nâng cấp; trong đó 334 hồ bị hư hỏng nặng cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014. Phần lớn hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa là hồ chứa vừa và nhỏ, có dung tích dưới 3 triệu m3. Đại đa số những hồ chứa này được đầu tư xây dựng vào thời điểm 30-40 năm trước, khi rừng chưa bị tàn phá, mưa lũ ít có diễn biến thất thường như những năm gần đây. Mục đích đầu tư xây dựng các hồ chứa là nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp là chính, khâu bảo đảm an toàn còn bị xem nhẹ, nên phần lớn công trình không có hồ sơ thiết kế cũng như hồ sơ quản lý vận hành. Từ chỗ công trình không có hồ sơ đã khiến cho công tác giám sát, đánh giá chất lượng, kiểm tra độ an toàn hồ, đập khó khăn và tốn kém.

Những năm gần đây, cùng với những diễn biến thất thường, bất lợi của thiên tai trong mùa mưa lũ, thì diện tích và chất lượng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy giảm nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực tới chất lượng công trình hồ chứa thủy lợi và thủy điện. Trong khi đó, công tác quản lý, vận hành còn bị xem nhẹ; nguồn vốn cho tu bổ, nâng cấp không được bảo đảm thường xuyên. Thực tế còn cho thấy, hầu hết hồ chứa thủy lợi, thủy điện thường được xây dựng trên bậc thang các con sông, suối lớn. Vì vậy, khi hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thì nó được ví như những quả bom nước, nhất là ở những địa bàn miền núi, nơi địa hình có độ dốc lớn như Tây Nguyên. Mặt khác, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thường được xây dựng theo bậc thang (liên hồ) từ cao xuống thấp, do đó, trường hợp xảy ra sự cố vỡ đập thường kéo theo vỡ dây chuyền, khi ấy hậu quả là khôn lường. Bên cạnh đó, hầu hết công trình hồ chứa nhỏ đều do UBND cấp xã hoặc hợp tác xã quản lý, trong khi đội ngũ cán bộ trực tiếp vận hành hồ chứa lại kiêm nhiệm, nhiều người không có chuyên môn, nghiệp vụ, nên hiệu quả và chất lượng quản lý, vận hành không đạt yêu cầu, dễ dẫn đến mất an toàn.

Trên phạm vi cả nước, những năm gần đây liên tiếp xảy ra những vụ vỡ hồ, đập thủy lợi, thủy điện gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa, ngày 14-10-2013, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 21/CT-TTg “Về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa”; tiếp đó, ngày 16-6-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa mưa lũ hằng năm. Và mới đây, ngày 23-7-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk. Có thể nói, các chỉ thị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý trong bảo đảm an toàn hồ chứa. Ngoài quy định cụ thể cơ chế vận hành liên hồ chứa nhằm bảo đảm điều tiết nước, cắt lũ và phục vụ sản xuất, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng hồ, đập; thực hiện việc phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư công trình; bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý an toàn hồ, đập; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác đầu tư, xây dựng, khai thác, vận hành hồ chứa; củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn hồ, đập.

Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư cùng đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa cần kiểm tra và xây dựng ngay phương án bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ; tuyệt đối không tích nước đối với những hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời; khẩn trương di dời dân ở vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ cao về mất an toàn trong mùa mưa lũ. Về lâu dài, cần phải huy động các nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nâng cấp 1.150 hồ chứa đang bị hư hỏng; hoàn thiện và ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực tất cả các dòng sông, suối chính trên phạm vi cả nước.

KIỀU BÌNH ĐỊNH
http://qdnd.vn
Số lượt xem: 18  -  Cập nhật lần cuối: 08/08/2014 02:47' CH
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,