HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Thiếu hồ thủy lợi chống hạn tại Đắk Lắk: Hạn hán khốc liệt, cả triệu hécta đất thiếu nước


10:38' SA-26, 26/03/2020

Tình trạng khô hạn khốc liệt tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: H.L

Đắk Lắk vốn là vùng đất bazan màu mỡ, cỏ cây hoang dại cũng tốt tươi quanh năm. Nhưng bây giờ đã khác. Hạn hán bủa vây nhiều hơn những ngày mưa. Cả triệu hécta đất nông nghiệp cằn cỗi vì thiếu nước. Chưa bao giờ, Đắk Lắk lại đối diện với đợt hạn hán khốc liệt như hiện nay.

Dọc vùng hạn Ea Súp chỉ thấy một màu héo úa của cây cỏ, ruộng vườn… Để ứng phó hạn, huyện Ea Súp đưa ra nhiều giải pháp, nhưng nếu không sớm có hồ thủy lợi thì ngành Nông nghiệp địa phương sẽ điêu tàn.

Mỏi mắt tìm nước

Giữa cái nắng chang chang của trời Ea Súp, 2 vợ chồng chị Hoàng Thị Si (SN 1988, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) vẫn nhẫn nại phát quanh cỏ dại chuẩn bị cho vụ mới. Từ nhà đến rẫy gần 10km nên từ sáng sớm, vợ chồng chị đã cơm đùm gạo gói vào rẫy. Trưa tròn bóng, trong cái nắng như nung, họ ngồi dưới tán cây, mở đùm cơm trộn muối đậu ăn để lấy sức cho công việc buổi chiều.

Ở huyện vùng biên như Ea Súp, chuyện đi lên nương rẫy cách nhà hàng chục cây số như gia đình chị Si là bình thường. Hơn nữa, con người Ea Súp cũng vốn quen với thời tiết oi bức, nóng ẩm. Thế nhưng, điều người nông dân nơi đây sợ nhất vẫn là mùa hạn. Nông dân phải “đỏ mắt” tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. “Xung quanh rẫy nương nhà tôi không ao hồ, sông suối hay kênh mương thủy lợi. Chuyện trồng trọt hoàn toàn phụ thuộc vào ông trời. Biết là việc canh tác trông vào thời tiết luôn gặp nhiều rủi ro, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi đành nhắm mắt làm liều...” - chị Si tâm sự.

Nhà anh Giàng Mí Quang (SN 1981, thôn 8, xã Cư K’bang) chục năm qua trồng 4ha điều nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nghe thì lạ nhưng đến nơi lại là chuyện thường ở huyện. Lý do là thiếu nước… Trong sản xuất, 4ha điều của gia đình Giàng Mí Quang không có nguồn nước tưới nên cây cối còi cọc, năng suất thấp. Về nhà, chuyện sinh hoạt của gia đình Giàng Mí Quang trở nên khốn khó thiếu hụt nguồn nước ngọt.

Rất khó tin khi suốt 8 năm qua, Giàng Mí Quang toàn đi mua nước ngọt về sinh hoạt. Cứ thế, bao nhiều tiền bạc làm ra đổ cả vào việc mua các bình chứa, chum vại đựng nước ngọt. Tiết kiệm mãi, vừa qua Quang và hàng xóm thống nhất góp tiền khoan giếng bơm. Máy khoan đến 100 mét thì chạm tới tầng đáy nước ngầm. “Có nước ngọt nhưng nước lại bị nhiễm phèn nên gia đình tôi phải mua nước ăn uống” - Giàng Mí Quang kể.

Sự cấp thiết của một công trình thủy lợi

Ông Nguyễn Ngọc Phú - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ea Súp - kể, những năm qua ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây nên tình trạng hạn hán ở Ea Súp diễn ra vô cùng khốc liệt. Điển hình nhất vào năm 2016, toàn bộ sông, suối trên địa bàn huyện Ea Súp trơ đáy. Hàng nghìn hécta hoa màu vật nuôi của nông dân mất trắng. Trước tình thế trên, ngành Nông nghiệp cũng đã có những kiến nghị lên cơ quan cấp trên sớm có những hỗ trợ thiệt hại cho người dân và ổn định sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, để đảm bảo đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Ea Súp về lâu dài, tôi mong muốn các bộ ngành địa phương và trung ương sớm nghiên cứu xây dựng một hồ thủy lợi chống hạn ở huyện này.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp - cho biết thêm, riêng 2 xã Ea Rốk và Cư K’bang nhiều năm qua luôn là vùng hạn nặng của huyện. Sản xuất nông nghiệp ở 2 xã lại lạc hậu, trông chờ hoàn toàn vào thời tiết. “Hai khu vực này không có hệ thống kênh mương thủy lợi hay ao hồ trữ nước. Thế nên vào mùa hạn thì cây trồng không có nước tưới. Mùa mưa đến lại ngập úng lai láng” - ông Nhiệm cho biết.

Trong buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào đầu tháng 1 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường khẳng định việc đầu tư xây dựng Hồ chứa nước Ea Khal là vô cùng cần thiết nhằm điều tiết nguồn nước. Xa hơn nữa, có một công trình thủy lợi ở huyện Ea Súp còn góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị vùng biên ải…

Từ năm 2010, Đắk Lắk đã phê duyệt quy hoạch phát triển thủy lợi giai đoạn 2015-2020, trong đó sẽ xây dựng công trình hồ chứa Ea Khal (nằm trên suối Ea Khal, đập dâng tạo hồ chứa đặt tại chân núi Chư Khang, thuộc địa phận xã Ea Wy (huyện Ea H’leo) và xã Ea Rốk (huyện Ea Súp). Hồ chứa dự kiến cấp nước cho 5.000ha đất canh tác của hai xã Cư K’bang và xã Ea Rốk và các khu vực xung quanh...). Tuy nhiên, đến nay thì dự án đó vẫn nằm trên giấy. Cả vùng đất nông nghiệp rộng lớn vẫn đang gồng mình trong hạn nặng.

Hữu Long

(Nguồn: laodong.vn)

Số lượt xem: 255  -  Cập nhật lần cuối: 26/03/2020 10:46' SA
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,