HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu: Nhận diện đúng để nỗ lực hành động


04:20' CH-23, 23/09/2015

Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Để đánh giá một cách đầy đủ nguyên nhân và tác động của BĐKH đối với nước ta, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tuệ.

 Xin Cục trưởng cho biết, những loại khí nào tác động đến môi trường gây hiệu ứng nhà kính và làm BĐKH?

- Sự sống trên Trái đất được duy trì là do nguồn năng lượng Mặt trời cung cấp thông qua truyền bức xạ. Các khí nhà kính có tác dụng hấp thụ và phát xạ bức xạ nhiệt. Các khí nhà kính tự nhiên có nồng độ ổn định trong khí quyển và nhờ đó khí hậu Trái đất duy trì sự sống ổn định. Tuy nhiên, hiện nay một số khí nhà kính do con người phát thải vào bầu khí quyển gia tăng như: Hợp chất halocarbons (CFCs, HCFCs)... đã làm nhiệt độ bề mặt Trái đất và khí quyển tăng lên gây ra hiệu ứng nhà kính.

Hiệu ứng nhà kính đã làm nóng lên trên toàn cầu, gây BĐKH và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên trên Trái đất. Hậu quả rõ rệt nhất là làm tan băng ở hai cực, nước biển dâng... Thực tế, khoa học đã chứng minh các hoạt động phát thải quá mức khí nhà kính vào khí quyển của con người là nguyên nhân gây BĐKH trên toàn cầu.

Trồng rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Ngãi.Ảnh:xuân thiên
Trồng rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: xuân thiên

- Điều đó có nghĩa BĐKH đang là thách thức lớn và gây ra những thiên tai khắc nghiệt cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam?

- Đúng vậy, BĐKH đã làm khí hậu nóng lên toàn cầu, dẫn đến sự thay đổi về lượng mưa, băng tan, nước biển dâng trên thế giới. Qua quan trắc cho thấy, trong 100 năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,74 độ C, còn trong 50 năm gần đây, tốc độ tăng của nhiệt độ gần hai lần so với 50 năm trước và 2010 là năm nóng nhất trong lịch sử. Sự nóng lên đã làm suy giảm khối lượng băng ở hai bán cầu; trong đó ở Bắc Băng Dương, mỗi thập kỷ giảm khoảng 2,1-3,3% lượng băng. Đây là nguyên nhân khiến nước biển dâng trung bình 1,8mm/năm.

Ở Việt Nam, biểu hiện của BĐKH cũng khá rõ. Cụ thể, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước ta đã tăng khoảng 0,5 độ C/năm. Riêng năm 2015, do tác động của hiện tượng El-Nino, nền nhiệt độ tăng khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm và có số ngày nắng nóng kéo dài hơn. Lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam lãnh thổ. Trên khu vực Biển Đông, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng lùi dần về phía Nam lãnh thổ nước ta. Đặc biệt, tần suất hoạt động của bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng với mức độ ảnh hưởng lớn; mùa mưa bão sẽ kết thúc muộn hơn so với trước đây. Hạn hán, nắng nóng có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ.

- Như vậy BĐKH đã, đang tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?

- Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Trong đó, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là tài nguyên nước, khu vực ven biển và ngành nông nghiệp. Chỉ tính trong 10 năm (2001-2010), thiên tai đã làm 9.500 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế là 1,5% GDP/năm. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho thấy, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C, kéo theo đó mực nước biển có thể dâng lên khoảng 1m. Khi đó hậu quả là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập 39% diện tích, riêng TP Hồ Chí Minh ngập 20% diện tích; các tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Hồng ngập 10%; các tỉnh miền Trung là 3%. Đồng thời, sẽ có 10-12% dân số của nước ta chịu tác động trực tiếp của BĐKH, tổn thất về kinh tế sẽ là 10% GDP/năm. Đây là những con số rất đáng báo động. Do đó, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn hiện nay.

- Để ứng phó giảm nhẹ thiên tai, Việt Nam cần hành động gì và thích ứng với BĐKH như thế nào?

- Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của BĐKH, nước ta đã sớm phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH để cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để ứng phó với BĐKH như: Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Đề án quản lý phát thải khí nhà kính; Quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ cácbon...

Ngoài ra, để thích ứng với BĐKH, Việt Nam đã triển khai mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp giải pháp sinh kế cho người dân. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Nam đã triển khai các dự án điểm nâng cấp công trình giao thông, thủy lợi nhằm ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt. Tỉnh Bến Tre tập trung gia cố đê, kè ngăn mặn, xây dựng nhà cộng đồng đa năng tránh trú bão. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên trồng và bảo vệ rừng; Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền kiến thức về BĐKH đến rộng rãi nhân dân, giúp họ hiểu đúng bản chất của BĐKH để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi, tiến tới sống chung với BĐKH.

Xin cảm ơn ông về nội dung trao đổi!
http://hanoimoi.com.vn
Số lượt xem: 36  -  Cập nhật lần cuối: 23/09/2015 04:25' CH
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,